#1 "Thất bại lớn nhất của bạn là gì và cách bạn vượt qua nó?"

Xin chào, tớ là Gừng đây. Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi series “HR hỏi Sinh viên trả lời”. Trong chuỗi series này, tớ sẽ đi tìm những câu hỏi thường gặp trong quá trình phỏng vấn, đồng thời đưa ra những điểm cần lưu ý và câu trả lời mẫu. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo vì đây là góc nhìn của Gừng (một sinh viên đại học năm cuối) chứ không phải nhà tuyển dụng. 

Để mở đầu cho series này, tớ sẽ bắt đầu với câu hỏi thường thấy trong các vòng đơn ứng tuyển vào câu lạc bộ/tổ chức hay các doanh nghiệp.

“Thất bại lớn nhất của bạn là gì và cách bạn vượt qua nó?” 

Nhà tuyển dụng mong đợi những gì khi đặt câu hỏi này? 

HR không tìm kiếm ứng viên “hoàn hảo”, họ tìm kiếm những người có khả năng thừa nhận thiếu sót của mình và rút ra bài học để sửa chữa sai lầm. Việc bạn thừa nhận được thất bại cho thấy bạn là người biết chấp nhận rủi ro và sẵn sàng vượt qua vùng an toàn của mình. 

Cần lưu ý gì khi trả lời? 

  1. Chọn một lỗi sai cụ thể 

Bạn cần tập trung vào một lỗi sai cụ thể thay vì nói chung chung hoặc nói quá nhiều lỗi. Điều này sẽ giúp câu chuyện của bạn ngắn gọn, xúc tích, có điểm nhấn và dễ trình bày hơn. Với câu hỏi này, bạn không nhất thiết phải chọn một thất bại cá nhân, đó có thể là thất bại của một team bạn làm việc cùng. Quan trọng là bạn phải đào sâu vào trách nhiệm của bạn cho sự thất bại của team. 

  1. Hãy trung thực 

Khá là dễ dàng để HR nhận biết được bạn đang nói thật hay nói dối. Vì thất bại là trải nghiệm của riêng bạn, biểu cảm khi bạn chia sẻ về kinh nghiệm của riêng mình sẽ rất khác với khi bạn kể lại nó từ một câu trả lời mẫu trên mạng. Quan trọng là “It’s not a big deal”, chỉ là một thất bại thôi mà, hãy chia sẻ cho HR một cách trung thực nhé. 

  1. Tập trung vào những gì bạn học được và cách mà bạn quản lý thất bại

Nói về lỗi sai là chưa đủ, quan trọng là bạn rút ra được kinh nghiệm gì từ nó. Bạn cần nói về những gì bạn tin rằng đã sai và gây ra thất bại, những gì bạn sẽ làm khác đi và những thay đổi bạn đã thực hiện. Giả sử thất bại của bạn là giả định những gì khách hàng muốn trên quan điểm cá nhân. Rút kinh nghiệm từ lỗi này, bạn sẽ không bao giờ đưa ra những giả định chủ quan như vậy nữa, thay vào đó, bạn sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng, thử nghiệm sản phẩm trước khi đầu tư vào một sản phẩm/dịch vụ mới.

  1. Đừng quên những con số

Những con số sẽ giúp cho câu chuyện của bạn thực tế và đáng tin cậy hơn. Lấy ví dụ ở trên, khi nói về việc đưa ra giả định chủ quan và sai lầm, bạn có thể chia sẻ cho nhà tuyển dụng về việc doanh thu đã giảm đi bao nhiêu % hoặc bạn đã nhận được khiếu nại từ bao nhiêu khách hàng… 

  1. Hãy cởi mở

Như mình đã nói ở trước, không có một ai hoàn hảo và ai cũng từng mắc sai lầm. Đừng cảm thấy có gánh nặng hoặc không thoải mái khi trả lời câu hỏi này của HR. Hãy cởi mở và thừa nhận về việc thực tế là tình hình đã không diễn ra như kế hoạch. 

Câu trả lời mẫu 

Câu này do mình sưu tầm được và lưu lại trong máy cũng tầm hơn một năm rồi, giờ tìm lại cũng không thấy nguồn đâu nữa. Nhưng mà, chủ nhân của câu trả lời này đã đăng nó lên với mục đích chia sẻ và mong muốn giúp đỡ được nhiều người. Nên là hãy tham khảo nó với một thái độ vui vẻ và cầu tiến nhé. 

“Tôi từng làm leader cho một team nhỏ 6 người. Trong những ngày đầu nắm giữ vị trí này, tôi rất háo hức và chăm chỉ làm việc để gây ấn tượng tốt với các thành viên cũng như với ban giám đốc. Cấp trên giao cho nhóm tôi một dự án nhỏ phải hoàn thành trong 4 tuần. Vì muốn chứng tỏ khả năng của mình nên tôi đã báo với cấp trên nhóm tôi chỉ cần 2 tuần để chạy xong dự án. Tôi cứ ngỡ là điều này khả thi, nhưng thực tế chúng tôi đã mất hơn 3 tuần để hoàn thành nó. Tuy không hề chậm trễ deadline nhưng cấp trên của tôi không hài lòng về việc tôi thất hứa và các thành viên nhóm cũng không vui vẻ mấy vì thường xuyên phải tăng ca. Vì vậy từ đó về sau tôi luôn cẩn thận hơn trong việc ước lượng khả năng của mình. Tôi nhận ra rằng việc hứa điều gì đó và không thực hiện được còn gây khó chịu hơn việc làm chậm trễ nó. Tôi đã rút kinh nghiệm và trở nên tốt hơn trong việc quản lý sự kỳ vọng của người khác.” 

Cuối cùng, cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Series “HR hỏi Sinh Viên trả lời” vẫn sẽ còn tiếp tục. Nếu bạn thắc mắc về những câu hỏi thì đừng ngần ngại mà comment cho Gừng biết nhé. 







Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phân tích PESTLE Trung Quốc